Doanh nghiệp nào có lợi thế khi gia nhập thị trường Singapore?
Công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng, nông sản, thủy sản Việt Nam có cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Singapore.
Các sản phẩm của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore do giá thành hợp lý, chất lượng và mẫu mã càng càng được cải thiện. Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, nhóm mặt hàng công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm chế biến, nông sản, thủy sản từ Việt Nam còn cơ hội lớn chiếm lĩnh thị phần tại Singapore.
Sau 2 năm đại dịch Covid-19, nhóm các sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản, thủy sản Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Singapore. Hiện, gạo và thủy sản là hai mặt hàng Việt Nam được ưa chuộng tại Singapore.
Ngoài ra, báo cáo 8 tháng đầu năm về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore chỉ ra, các nhóm mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dây cáp điện, các sản phẩm từ nhựa, dệt may, da giày, các sản phẩm từ giấy, các sản phẩm từ thủy tinh, đồ gỗ... chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là mặt hàng được nhận định có tiềm năng thâm nhập thị trường lớn nếu doanh nghiệp Việt biết tận dụng cơ hội.
Lý giải về tiềm năng thị trường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, quốc đảo sư tử hiện mới chỉ đảm bảo được khoảng hơn 10% nhu cầu về thực phẩm. Đồng thời, sự đứt gãy nguồn cung toàn cầu đã tạo cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam gia tăng thị phần tại Singapore.
Singapore là quốc gia có dân số ít, tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người cao tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thủy sản nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm lý tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam thử nghiệm thị trường và mở rộng cơ hội kinh doanh ra thế giới. Bởi Singapore là thị trường trung chuyển lớn của thế giới có độ mở cao. Cụ thể, kim ngạch thương mại năm 2021 khoảng gần 1200 tỷ đô Singapore, gấp đôi giá trị GDP của quốc gia.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp xây dựng như: dây cáp điện, cửa nhôm nhựa, sắt thép xây dựng, gốm sứ vệ sinh...
Kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 4/2022, lĩnh vực xây dựng trở thành động lực tăng trưởng của Singapore. Giá nhà đất và căn hộ đang tăng "chóng mặt" tại Singapore góp phần thúc đẩy các dự án xây dựng tăng tiến độ triển khai. Điều này tạo tiền đề để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp xây dựng.
Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội kinh doanh tại Singapore nhưng cần chuẩn bị tốt các điều kiện, nhất là tiêu chuẩn chất lượng và duy trì ổn định chất lượng sản phẩm.
Cụ thể, đối với thực phẩm chế biến, đồ uống... các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến bao bì, chỉ dẫn bằng tiếng Anh, có đầy đủ thông tin cơ bản, các chứng chỉ như HACCP, Halal,... theo quy định. Ngoài ra, cần lưu ý đến thời hạn sử dụng của sản phẩm, tốt nhất trên 12 tháng để đảm bảo vòng quay kinh doanh của hệ thống bán lẻ.
Một hạn chế của doanh nghiệp Việt là khả năng đảm bảo nguồn cung và chất lượng ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đảm bảo tuân thủ thời gian giao nhận hàng với đối tác. Ngoài ra, để tránh lừa đảo thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động xác minh, tham vấn pháp lý với các đơn vị tư vấn luật, thậm chí, trực tiếp sang địa bàn để xác minh, gặp gỡ trực tiếp đối tác trước khi thực hiện các đơn hàng lớn.
Nguồn: Báo điện tử VnExpress