Thị trường nông sản hữu cơ 188 tỉ USD, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 335 triệu USD
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2021 diện tích đất sản xuất nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha. Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều giúp cho diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, dung lượng thị trường nông sản hữu cơ của thế giới rất lớn, năm 2021 là 188 tỉ USD và năm 2022 dự báo lên đến 208 tỉ USD. Trước đây, thị trường này chỉ phát triển ở các nước có thu nhập cao ở Mỹ, Nhật và phương Tây. Hiện nay, xu hướng mở rộng ra nhiều nước đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu và thị hiếu rất đa dạng, đặc biệt là mặt hàng rau quả, chè, cà phê và các sản phẩm chế biến. “Tiềm năng thị trường còn rất lớn nhưng khả năng sản xuất của Việt Nam còn hạn chế. Đó cũng là cơ hội cho Việt Nam xâm nhập thị trường Thực phẩm hữu cơ quốc tế”, ông Tiến nói.
Các Doanh nghiệp sản xuất cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều công sức. Tuy nhiên, đầu ra ở thị trường nội địa lại càng khó hơn vì giá cả không tương xứng với chi phí và công sức đầu tư, khó tiếp cận thị trường. Trong khi đó, nhiều mô hình sản xuất hữu cơ không đủ số lượng hàng hóa lớn để xuất khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị sản xuất hữu cơ cần kết nối với nhau để xây dựng hệ sinh thái và chuỗi giá trị sản phẩm tuần hoàn.
Nguồn: Báo Thanh Niên.